Là Không ư? Bình thường thôi!

Nếu một ngày nào đó đằng sau tên gọi Trí Không là một chức vụ? Bạn sẽ chúc mừng tôi chứ? Bạn sẽ mừng thay cho tôi chứ? Bạn sẽ coi chức vụ của tôi là điều đáng để tự hào? Bạn sẽ đem chức vụ đó đi khoe với tất cả mọi người chứ?... Nếu bạn vui vì điều đó, đáng tiếc bạn chẳng bao giờ gặp được tôi cả.

Bạn có buồn không nếu người thầy của bạn không danh không phận? Không được người ta trọng vọng? Không được MC giới thiệu trong các sự kiện trọng đại? Không được nhìn thấy hình ảnh của tôi ở một vị trí quan trọng nào đó?...  Nếu bạn buồn vì điều đó, đáng tiếc bạn đang tự làm khổ chính mình.


Người ta muốn leo lên đỉnh núi cao, trước hết họ cần phải bám vào cái gì đó. Có thể bắt đầu là mặt đất, tiếp nữa là những hòn đá, tiếp nữa là những bậc thang, tiếp nữa là những cành cây cheo leo, tiếp nữa là những mỏm đá nhấp nhô... Và dù chúng là bất cứ cái gì, thì mặc định hiển nhiên cái đó phải là cái Có. Bạn sẽ leo lên đỉnh như thế nào, nếu bạn chẳng có cái gì để bám?

Nhưng trước khi cái Có có mặt thì cái gì tồn tại? Trước khi bạn là ông này bà kia thì bạn là ai? Trước khi bạn sinh ra, bạn từ đâu đến? Trước khi bạn có ý định leo lên đỉnh núi cao thì núi cao bắt đầu từ đâu?

Và sau khi cái Có mất đi, cái Có sẽ đi về đâu? Sau khi bạn được miễn nhiệm một công việc nào đó, bạn là ai? Sau khi thân xác bạn trở về cát bụi, bạn sẽ đi về đâu? Sau khi bạn leo đến đỉnh núi, việc tiếp theo của bạn sẽ là gì?

Tôi là đấy đấy bạn ạ. Tôi là điểm khởi đầu cho những thứ danh phận tồn tại. Tôi là điểm kết thúc sau mỗi danh phận thoái trào. Tôi là khoảnh khắc cho bạn bắt đầu tìm kiếm một cái gì đó, và tôi cũng là điểm kết thúc đằng sau mỗi tìm kiếm đạt được. Tôi là Không - là nền cho cái Có có mặt, là bản thể đi cùng bạn năm tháng, nằm trong bạn khi bạn bắt đầu, cùng bạn leo lên đến đỉnh cao và theo bạn lui về đằng sau hậu trường sân khấu.

Không - bạn có thể hiểu là sự trống rỗng. Một chiếc ly được rót đầy nước, sau khi đổ sạch hết nước trong ly, cái ly trở nên trống rỗng. Cái ly không là cái ly trống rỗng, không được đựng đầy. Vậy muốn rót được nước vào cái ly, trước hết cái ly phải trống rỗng. Theo cách hiểu như vậy, trống rỗng chính là cái nền cho một cái gì đó có mặt. Muốn dựng căn nhà, trước phải giải phóng mặt bằng. Muốn đặt đồ vào trong một căn phòng, trước căn phòng phải đủ khoảng không để chứa đựng. 

Không - bạn có thể hiểu là sự vắng mặt. Khi tôi có mặt trong một cuộc vui nào đó, tôi nói là tôi có. Nếu chẳng may tôi bận một công việc nào đó và không tham gia được, tôi nói là tôi không có mặt ở đó. Không được hiểu là sự vắng mặt. Trong trường hợp này, Không được so sánh với cái Có. Một bên là sự tồn tại của một hữu thể, một bên là sự vắng mặt của Hữu thể. Nếu tôi chưa từng được sinh ra, chẳng ai có ý niệm về sự vắng mặt của tôi trong một cuộc vui nào đó. 

Đấy là hai cách hiểu phổ thông về chữ Không, được đặt trong những hoạt cảnh cụ thể. Nhìn dưới khía cạnh triết học và tôn giáo, cùng với hai ý nghĩa trên, nhưng được diễn đạt bằng ngôn ngữ khác.

Không - emty - sự trống rỗng. Tuy là trống rỗng, nhưng vẫn được coi là Tồn tại. Tồn tại dưới một hình thái đặc biệt, không có hình tướng, không có màu sắc, không có trọng lượng. Chúng đơn giản chỉ là khoảng không. Cùng một ví dụ về cái ly trống rỗng, nhìn dưới mắt thường, chẳng qua chỉ nói về sự vắng mặt của nước, nhưng thay cho nước, chúng vẫn tồn tại những hạt bụi li ti, những nguyên tử có đầy trong không khí. Đi sâu vào độ chênh giữa những hạt bụi, giữa những nguyên tử, đó chính là cái mà chúng ta gọi là trống rỗng - một môi trường cho những cái có tồn tại.

Không - sunyata - sự vắng mặt. Trong trường hợp này, sự vắng mặt được hiểu là sự vắng mặt của một thực thể tuyết đối, cố định, không thay đổi. Dưới lăng kính của Phật giáo, Không chính là cách biểu đạt khác về tính duyên sinh của thực tại. Sự vật hiện tượng nào cũng được hình thành từ trăm ngàn vạn ức các điều kiện, các yếu tố, các thành tố khác nhau. Chúng thay đổi theo sự thay đổi của các điều kiện, các yếu tố, các thành tố cấu thành nên chúng. Vì thế, trong trường hợp này, ngay cả khi cái Có có mặt, trong cái Có cũng hàm chứa cái Không, vì cái Có có mặt được là do duyên sinh và duyên khởi.

Trong cách hiểu thứ nhất, người ta hay nghĩ Không là một cái gì đó tiêu cực, là sự mất mát, là không có gì. Bạn đang hiện hữu, và tai bay vạ gió khiến bạn chầu trời sớm, người ta gọi bạn là không. Bạn đang có rất nhiều tài sản trên sàn chứng khoán, và chỉ số VN -index sụt giảm nghiêm trọng biến bạn thành trắng tay, bạn than rằng "bạn không còn gì nữa"... Không, trong nghĩa này, là trắng tay, là mất hết, là biến bạn quay trở về điểm bắt đầu. 

Trong cách hiểu thứ hai, bạn có quyền nghĩ nó tiêu cực hay tích cực, bạn có muốn hay không muốn, bạn cũng không thể thay đổi một sự thật: tất cả những gì bạn đang có đều do duyên mà hình thành, đều do duyên mà hoại diệt. Ngay cả khi bạn đang ôm ấp cái Có, cái Có đó cũng đang nằm trong Không, chịu sự chi phối của Không.... Không, trong nghĩa này, nó là bản thể của tồn tại. Nó ở điểm khởi đầu, nó đi cùng với hiện hữu, và nó dẫn dắt cái có về điểm chung cùng.
...

Bạn đang muốn chiếm hữu cho thật nhiều? Tôi sẽ không phản đối và cũng chẳng hoan nghênh. Tôi mặc nhiên cho chuyện đó là bình thường của tất cả chúng ta. Bởi vì người ta không thể sống mà không cầm hay nắm một cái gì đó ở trong tay, trừ khi bạn chết. Ngay cả một đứa trẻ vừa sinh ra đời, theo lẽ tự nhiên, những ngón tay của chúng đã chụm vào như đang muốn nắm một cái gì đó. Bạn có thể nắm tiền, nắm tình, nắm danh tiếng, nắm nhà cửa, nắm chức vị... bất cứ thứ gì mà bạn đang thiếu. Không có gì là xấu trong trường hợp này.

Bạn chẳng cần chiếm hữu cái gì hết? Tôi cũng sẽ không phản đối và cũng chẳng có ý kiến gì hết trong trường hợp này. Có thể bạn đã nắm quá nhiều đến mức mỏi tay, và muốn buông ra cho đỡ mỏi. Cũng có thể bạn nhận thức rằng dù có nắm cho thật nhiều, lúc nhắm mắt thì tay ai cũng phải xuôi, và chẳng có thứ gì theo bạn cả, kể cả những thứ mà khi bạn có, nó đã từng nỉ non sẽ theo bạn đến cuối cuộc đời, và cùng bạn sang thế giới bên kia... Bạn đủ can đảm thì cứ buông ngay khi chưa nhắm mắt.

Bạn có thể vừa chiếm hữu vừa buông xả được không? Tôi cho rằng, có thể lắm chứ. Ai đi qua sông mà chẳng luỵ đò, nhưng chắc gì họ sẽ bám víu vào cái đò đó khi đã lên bờ. Vì thế, thật khó để đánh giá chuyện ai đó đang nắm mà vẫn có thể buông, hoặc ai đó đã buông mà thật ra đang nắm. Hãy ngâm nga chơi bài kệ này của Long Thọ để bạn nghiệm xem mình đã đi đến đâu trên chặng đường này nhé:

"Bất sanh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất lai diệc bất xuất"

"Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất"

(Không sanh cũng không diệt,
Không thường cũng không đoạn,
Không đồng nhất cũng không dị biệt,
Không đến cũng không đi.

Nói rõ thuyết nhân duyên ấy, 
Khéo dập tắt các hý luận.
Con cúi đầu lễ Phật
Bậc thuyết giảng đệ nhất trong các bậc thuyết giảng)

Trong trường hợp này, bạn đã vượt thoát khỏi mọi tư duy phân biệt của sanh và diệt, của thường và đoạn, của có và không, của bên này và bên kia... Và khi đi đến điều này, bạn sẽ không cần phải sa đà vào những tranh luận cao thấp, đúng sai, tích cực hay tiêu cực của việc nắm hay buông, của không và có nữa rồi.
...

Bạn có thể vui khi đến với tôi - vì tôi chẳng là ai và chẳng là gì? Hoặc bạn sẽ chán khi lỡ thấy tôi là ai hoặc là cái gì - vì bạn thấy tôi đã thay đổi? Hoặc bạn cảm thấy tự ti vì có một người bạn vô danh tiểu tốt như tôi hoặc bạn mong muốn tôi sẽ nỗ lực để trở thành một ai đó trong xã hội hoặc trong cộng đồng xã hội thu nhỏ nào đó?... Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn đều mượn tôi là phương tiện để bạn bám víu vào. Và trong bất kỳ niềm vui hay nỗi buồn nào của bạn, đáng tiếc tôi đều không quan tâm.

Tôi thường nghĩ rằng trước khi ai đó có một chức phận nào đó, họ chẳng là gì cả, cũng như tôi lúc này. Và rồi họ sẽ cố gắng hết mình để được là ai đó trong xã hội, trong cộng đồng tôn giáo mà họ theo. Đến cuối đời, họ sẽ lại quay về khởi điểm là chẳng là ai và cũng chẳng là gì cả, cũng như tôi lúc này. Vì thế, thay vì phải đi lòng vòng như vậy, tôi đã chọn cho mình một lựa chọn: chẳng là ai và chẳng là gì cả, ngay từ khởi điểm cho đến khi kết thúc.


Cuộc đời là những ngả đường chọn lựa
Có người chọn nắm cho thật nhiều và thông qua cái nắm đó, họ nghĩ rằng họ đang phấn đấu
Có người chọn nắm cho thật nhiều và cuối cùng tập buông nó, họ nghĩ rằng họ đang tu tập
Còn tôi, tôi chọn không nắm để không phải buông.
Cũng như tôi không tự hào về chuyện phấn đấu và cũng vì thế mà không cần tự hào về sự tu tập.

Cuộc sống là trò chơi của sự phân biệt
Chỉ cần khởi lên ý niệm phân biệt, ấy là lúc bạn vẽ lên bức tranh của chính mình
Còn tôi, thay vì cố gắng vẽ cho thật đẹp bức tranh
Tôi đã chọn việc không vẽ bất cứ một nét mực nào.

(29/4/15)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
3 Comments

3 nhận xét:

  1. Ba chuẩn bị bước lên đỉnh cao à? Có gió không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý con là ba sắp đi xuống ấy à :)))

      Xóa
    2. Xuống ấy là xuống đâu? Chỗ nớ à? Ba thì con ...lâu.

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất