Nhận xét và Phán xét?

Ngôn ngữ không chỉ là cách thức mà tôi muốn chia sẻ tâm tư gửi cho những ai đồng điệu, mà nó còn là sinh thể cho những gì tôi cần phóng thể. Trước tờ giấy trắng, tôi như một đứa trẻ vẽ lên sắc màu thế giới theo cách mà tôi có thể nhìn, cũng như trước phông nền của tâm thức, tôi như một đấng hóa công toàn năng, tùy biến mọi hình hài. Ai cần phải biết nó đúng hay sai so với thế giới bên ngoài cơ chứ?!

Tôi đã đi vào đời theo một cách như vậy...

Đã có nhiều loại hình ngôn ngữ từng tồn tại song hành cùng sự tồn tại của con người. Có người dùng những ký hiệu hay dùng những con số để tiếp cận thực tại, cái mà người ta tạm gọi là khoa học. Bên cạnh đó, có người dùng những con chữ bay bổng, lấp lánh, phiêu bồng để vẽ lên thế giới, cái mà người ta tạm gọi là nhà thơ. Rồi giữa thi ca và khoa học là chiếc cầu nối của ngôn ngữ tôn giáo, ngôn ngữ của những biểu tượng, của sự lặng im, của nghệ thuật, của logic, của khoa học tâm linh và nếu cần thì có cả khoa học về Chúa trời.

Đã có nhiều loại hình ngôn ngữ như vậy, thì cũng đồng thời tồn tại nhiều con đường khác nhau để nối kết. Có những con đường đi từ não bộ đến não bộ và có cả những con đường đi từ trái tim đến trái tim, rồi lại có cả những con đường đi từ não bộ đến trái tim và ngược lại. Tùy theo ngôn ngữ mà con đường có mặt, và cũng tùy theo con đường mà loại hình ngôn ngữ nào đó được sử dụng.

Tôi đã chơi với ngôn ngữ trên những lộ trình như vậy...




Bạn hỏi tôi về PHÁN XÉT, và bạn tự đặt định cho mình một GIÁ TRỊ: "người tu thì không phán xét". Nhưng rồi lại tiếp tục một sự an ủi nhẹ nhàng: "nhưng mình chưa là Phật thì cũng cần phải phán xét".

Đấy có thể được coi là câu hỏi về phán xét hay không? Không! Theo cách tôi hiểu thì đó không phải là câu hỏi. Nó chỉ có thể là một lời mời gọi tìm kiếm sự đồng minh cho những gì bạn đã khẳng định.

Phán xét là gì??? Nếu ta chưa hiểu gì về phán xét, thì giá trị của nó chỉ có thể là cái đến sau, sau khi ta đã hiểu hết về nó. Còn một khi mặc định là: người tu thì không phán xét, thì hẳn bạn đã tiếp cận "phán xét" theo một chiều hướng không tích cực, nếu ta tạm coi "người tu" là một định nghĩa tích cực, còn ngược lại, nếu nhìn phán xét theo chiều hướng tích cực, hẳn người tu lại nằm ở vế đối lập?

Người tu là gì??? Đây cũng lại là một khái niệm đáng để quan tâm, nếu ta bỏ đi những yếu tố thuộc về hình dáng bên ngoài, hay những gì mà di sản lịch sử để lại. Tôi không biết bạn có coi Phật là một người tu hay những đệ tử của ông ta mới được coi là người tu? Đấy là chưa kể các tu sỹ ở các tôn giáo khác thì sao?? Và còn một câu hỏi khác quan trọng hơn đằng sau câu hỏi: người tu là gì? Ý tôi muốn bạn hoài nghi: Tôn giáo là gì? Giá trị của tôn giáo đem lại cho nhân sinh là gì?... Những câu hỏi này mới là gốc, thầy tu là gì chỉ là phái sinh cho vấn đề mà ta tạm gọi tên là tôn giáo.

Phật là gì? Tại sao là Phật thì không phán xét? Tại sao biết Phật không phán xét? Nếu bạn chưa từng là Phật thì việc nói "Phật thì không phán xét" là một câu nói dối, nếu không muốn nói là thấy người ta bảo sao thì mình bảo vậy. Nếu bạn đã là Phật, như bạn nói 'là Phật thì không phán xét" thì vế sau của câu hỏi "khi chưa là Phật thì vẫn có thế chấp nhận phán xét" lại trở thành một sự biện minh thừa thãi.

Mình chưa là Phật thì mình có quyền phán xét? Đấy là vấn đề bạn đặt ra. Và từ vấn đề đó, ta có thể suy xét theo vài chiều hướng: một, Phật thì không có quyền phán xét? hai, ta chưa là Phật nên phán xét có thể chấp nhận được? ba, nếu muốn phán xét thì không là Phật, nếu muốn là Phật thì đừng phán xét? bốn, vì được phán xét là đặc quyền của ta mà không phải là Phật nên vì ta còn thích phán xét, nên ta tu mà không thích là Phật?

Bạn thấy tôi phân tích câu hỏi của bạn được chứ? Ồ, tôi xin lỗi nếu tôi đưa bạn vào ma trận của trò chơi ngôn ngữ, nhưng trước một câu hỏi mà ở đó bạn đã khẳng định rồi, thì dù tôi có trả lời gì đi chăng nữa cũng chẳng thay đổi được chi, nếu không muốn nói là chỉ khiến bạn thêm bối rối. Vì thế, nếu bạn coi phán xét là đúng thì cứ phán xét, nếu bạn thấy nó sai thì tự nhiên bạn sẽ không phán xét nữa, mà chẳng cần quan tâm quái gì đến chuyện ông Phật có phán xét hay không, hoặc chưa là Phật thì vẫn chấp nhận được phán xét người khác...v..v... Trong mắt tôi, ý tưởng về câu hỏi không gì khác hơn chỉ là trò chơi khăm của cảm xúc mà vẫn mong muốn được bảo bọc bởi một nền tảng lý luận vững vàng.


Bây giờ thì bạn đã có thể cùng tôi đi vào tìm hiểu "phán xét" mà không cần quá quan tâm xem ông Phật có còn phán xét hay không, người tu còn phán xét hay không, người chưa thành Phật còn phán xét hay không... hay đại loại thế chưa?!

Hãy thử tưởng tượng mối quan hệ giữa hai đối tượng là A và B. Mối quan hệ giữa A và B là mối quan hệ giữa hai con người cá thể, hoặc là đám đông với đám đông, hoặc là cá thể với đám đông, hoặc là đám đông với cá thể. Còn trường hợp nào khác nữa không?.. Nếu còn thì tự bạn thêm vào nhé.

Hãy thử tưởng tượng tiếp:... Có khi nào A không cần quan hệ với B mà vẫn tồn tại được không? Tôi e rằng không, chỉ trừ một số trường hợp là vừa sinh ra đã chết, hoặc bị bỏ vào rừng sâu ngay từ khi mới chào đời, hoặc bị cách ly khỏi cộng đồng người trong một vài trường hợp tương tự. Trong trường hợp của bạn, bạn có thể cách ly bạn khỏi xã hội hoặc với cá nhân khác được không?... Bạn tự trả lời nhé.

Hãy đi tiếp... Quan hệ giữa A và B có thể là những quan hệ nào? Đó là quan hệ kinh tế nếu nó liên quan đến vật chất, là quan hệ chính trị nếu nó liên quan đến quyền và trách nhiệm, là quan hệ tình cảm nếu nó xuất phát từ tình cảm, là quan hệ tôn giáo nếu nó xuất phát từ niềm tin.... và còn cả thứ quan hệ cộng đồng, nếu nó có chung lợi ích... Nếu còn nữa thì bạn cứ điền vào dấu... dùm tôi nhé.

Hãy đặt khái niệm "quan hệ" trong mối tương tác hai chiều: A tác động đến B và B tác động đến A. Theo khoa học vật lý, mỗi một sự tác động đều tạo ra một lực nhất định, và do vậy hẳn chúng đem đến những thay đổi và những phản ứng khác nhau lên đối tượng bị tác động. Các hình thức tác động có thể có là: nghĩ về người khác, nói về người khác, và đánh vào người khác. 

Vậy khái niệm phán xét được sử dụng trong trường hợp nào? Đó là A "nói về" B. Khái niệm phán xét còn được dùng bằng những khái niệm tương đương: đánh giá, nhận định, thẩm tra, suy xét... Mỗi khái niệm được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau, nhưng đều chỉ chung một dạng tác động: nói về.

Ngữ cảnh của khái niệm "phán xét" được sử dụng trong trường hợp nào? Từ "phán" là một động từ, chỉ một nhận định chắc chắn và tuyệt đối, bất kể sự phản ứng của đối tượng bị phán xét. "Phán xét" tương đương với "Nhận xét" nhưng sự khác biệt của nó là: nhận xét là nhận thấy nên xét đoán, còn phán xét là phán bảo. Mối quan hệ giữa A và B trong "nhận xét" có thể là cao hơn, thấp hơn và bằng nhau; trong khi đó mối quan hệ giữa A và B trong "phán xét" bao giờ cũng là mối quan hệ giữa kẻ cao dành cho người thấp, bởi nó khước từ khả năng phản cung của kẻ thấp hơn.

Trong cuộc sống, bạn - với tư cách vừa là A vừa là B - luôn nằm trong mối quan hệ đa dạng và nhiều chiều: khi thì với tư cách cá nhân, khi thì với tư cách cộng đồng... Bạn nghĩ về người khác, nói về người khác và đôi khi đánh cả người khác... đồng thời bạn cũng được người khác nghĩ về, nói về, và có khi đánh cả bạn. Bạn có thể thoát ra khỏi mối quan hệ này không? Tôi e là không.

Khi chúng ta nằm trong mối quan hệ như vậy, sự tác động lẫn nhau hiển nhiên không thể tránh khỏi như vậy. thế thì việc chúng ta nhận xét về ai đó, về cá nhân nào đó, về cộng đồng nào đó, về đám đông nào đó... là chuyện quá ư bình thường. Nhận xét của bạn đúng hay sai, chân thật hay bịa đặt, có ý tốt hay xấu, vì mục đích xây dựng hay phá hoại... phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ văn hoá, năng lực tri thức cũng như mặt bằng đạo đức của bạn.

Theo một chiều ngược lại, khi bạn nằm trong mối quan hệ mà sự tác động qua lại là hiển nhiên, thì việc người khác, đám đông hay cộng đồng... nhận xét về bạn cũng là chuyện quá ư bình thường. Bạn có thể đúng hoặc sai trong những nhận xét về người khác thì chuyện người khác nhận xét về bạn hoặc sai hoặc đúng, hoặc chân thật hoặc bịa đặt, hoặc dụng ý tốt hay xấu, hoặc muốn xây dựng hoặc muốn phá hoại... cũng là chuyện quá ư bình thường. Nhưng đón nhận và phản ứng trước những nhận xét như vậy lại cũng phụ thuộc vào phông văn hoá, tri thức và đạo đức của bạn.

Đấy là "nhận xét" - một quan hệ tương đối bình đẳng, chẳng có gì đáng để ngạc nhiên cả. Nhưng "phán xét" lại là một vấn đề khác - mối quan hệ này không còn là mối quan hệ bình đẳng nữa, chúng trở thành một quan hệ giữa cao và thấp, bác bỏ luôn khả năng biện bạch của đối tượng bị phán xét.

Khi bạn phán xét một ai đó - là tốt hay là xấu, là đúng hay là sai - nghĩa là bạn tự đặt mình ở một cương vị cao hơn người bị phán xét, nếu như không muốn nói bạn tự nhận mình là Chúa trời. Trong nhận xét, chí ít bạn còn thừa nhận yếu tố chủ quan: "tôi nhận thấy là bạn...". Nhưng trong phán xét, bạn không cần đến việc bạn có nhìn thấy, suy xét thấy hay không nữa, bây giờ nó hoàn toàn chỉ còn là: "Tao phán mi là người tốt, Tau cho mi là tên đểu...".

Tốt hay xấu, đúng hay sai... có tính lịch sử. Nó đúng ở lúc này nhưng không đúng ở lúc khác, nó tốt giai đoạn này nhưng lại là xấu ở thời điểm khác. Điều đó cho thấy những gì được nhận xét cũng có tính lịch sử, bị giới hạn trong một bối cảnh nhất định.

Nhận xét và Phán xét đều có những hình thức tương tự, nhưng trong "Nhận xét" thừa nhận yếu tố lịch sử của điều được kết luận, nghĩa là trong nội hàm của nhận xét chấp nhận yếu tố có thể sai. Còn trong "phán xét", bạn khước từ yếu tố lịch sử này, nghĩa là bạn cho nó luôn đúng ở mọi thời gian, vì thế bạn khước từ luôn khả năng phản cung của đối tượng.

Nhìn dưới lăng kính của đạo đức học, tôi cho việc nhận xét là chuyện bình thường trong quan hệ giữa người với người, nhưng trong phán xét lại là mối quan hệ bất bình thường. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn tự cho mình cao hơn người khác - một dạng thức kiêu ngạo tiềm ẩn. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn khước từ tính lịch sử trong nội dung phán xét - một dạng thức của ngu si dốt bền khó đào tạo. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn khước từ khả năng phản cung của người bị phán xét - nghĩa là bạn chấp nhận nếu chưa là bạn ta, hẳn kẻ đó là kẻ thù của ta - một cuộc chơi mà không là bạn tất là thù....

Tôi không biết ông Phật còn phán xét hay không, người tu còn phán xét hay không, người chưa thành Phật còn phán xét hay không.... bởi đó không phải là đối tượng tôi quan tâm. Tôi chỉ quan tâm việc bạn có tiếp tục phán xét người khác hay không, hay giản đơn hơn, chỉ là nhận xét người khác trong tính chủ quan riêng của bạn.

Bạn cứ phán xét nếu bạn chấp nhận chuyện đó là bình thường
Thế thì khi bạn bị người khác phán xét, tôi mong bạn cũng coi chuyện đó là bình thường

Riêng tôi, những lời phán xét đơn giản là tiếng vo ve nhặng xị của đám ruồi bu.
Nhưng trước một lời nhận xét, nhất định tôi sẽ lắng nghe một cách chân thành.

(9/10/14)


Tái bút

Tặng bạn đôi dòng tự sự của Trịnh Công Sơn đọc chơi nhé:

Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái ta đáng ghét". Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người. 
Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người (...)
Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh. 
Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời.  Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội. 
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.  Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại.  Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.  
Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới.  Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loạị Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy trắng tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực. 
Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm. (...)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất