Cô đơn là gì?

Cô đơn... một từ đã quá phổ biến đến mức bất kỳ ai cũng có thể thốt lên: "Tôi cô đơn quá!". Vậy cô đơn là gì? Ai đã chạm đến trạng thái thật sự của cô đơn??


Trong tiếng Việt, có 3 từ gần nghĩa nhau: một mình, cô đơn, cô độc. Đôi khi chúng ta hay dùng chung mà không có sự phân biệt rõ ràng. Chúng có thể cùng diễn tả tình huống: một mình; có thể cùng diễn tả một trạng thái: buồn. Tuy nhiên, đi sâu hơn một chút vào nội hàm của khái niệm, có thể chúng hoàn toàn khác nhau về mặt ngữ nghĩa lẫn tâm trạng, nếu không muốn nói là đối lập nhau.

Một mình: đó có thể là bạn ở một mình, tách biệt với các mối quan hệ xã hội khác. Cũng có thể bạn ở giữa bạn bè, gia đình, đám đông..., nhưng bạn vẫn một mình. Vậy "một mình" ở đây được hiểu theo nghĩa nào? Đó là tâm trạng mãn nguyện với chính mình, không cần phải chia sẻ bản thân với bất kỳ ai, không có nhu cầu cần thiết phải trao đổi và cũng không mong muốn một ai đó chạm vào thế giới riêng tư. Do vậy, dù bạn ở một mình hay ở giữa đám đông, bạn vẫn hài lòng với sự biệt lập đó.

Cô độc: đó cũng là trạng thái một mình, "bị" cách ly khỏi các mối quan hệ xã hội. Cũng có thể bạn ở giữa bạn bè, gia đình, đám đông...., và bạn vẫn cảm thấy cô độc. Vậy "cô độc" thì khác gì "một mình" như định nghĩa vừa nêu? Điểm khác cơ bản chính là bạn không "mãn nguyện" với tình trạng đó, ngược lại, bạn có nhu cầu chia sẻ nhưng không có ai lắng nghe, có nhu cầu trao đổi nhưng không ai đáp lại, có ý nguyện tìm kiếm một người hiểu mình nhưng không có, có mong muốn thoát khỏi tình trạng đó nhưng bất lực. Ý thức về sự cô độc là ý thức vùng vẫy trong một cái Tôi nhỏ bé nhưng lực bất tòng tâm.

Cô đơn: đó cũng là trạng thái một mình, cũng có thể ở giữa gia đình, bạn bè, đám đông... Điểm khác biệt giữa "một mình", "cô độc" và "cô đơn" chính là ở chỗ: "cô đơn" là nhịp cầu trung gian giữa "một mình" và "cô độc". Ở cô đơn có một chút hài lòng, mãn nguyện của "một mình" - đó là lý do tại sao rất nhiều người lại thích cái khoái cảm "cô đơn" đem lại; ở cô đơn cũng có một chút không hài lòng, mang khá nhiều hơi hướm ưu tư của "cô độc" - đó là lý do tại sao mặc dù rất thích những khoái cảm "một mình" đem lại, người ta vẫn khát khao hy vọng một nhịp cầu giao cảm tri âm đích thực.

Trên đây là nội hàm của 3 từ gần nghĩa mà tiếng Việt ta có được. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ thêm một chút về phạm trù "cô đơn" - bởi ở nó mang dáng dấp của cả "một mình" lẫn "cô độc".

Hãy thử hỏi chính mình, khi nào thì bạn "thích" cô đơn và khi nào thì bạn "bị" cô đơn?

Khi bạn đang chìm đắm vào một đam mê nào đó, không cần phải nói đến những ưu tư triết học cho sâu xa làm gì, chỉ cần bạn đam mê công nghệ thông tin hay một lĩnh vực nào đó thôi. Và trong những lúc bạn đang viết dở đoạn code nào đó, hoặc mới khám phá ra một phần mềm nào đó đến mức quên cả ăn uống, giờ giấc sinh hoạt... Những lúc đó, đừng nói đến các mối quan hệ đãi giao thù tạc, chỉ cần một cuộc điện thoại hay một tin nhắn gửi đến cũng đủ khiến bạn muốn vứt cái điện thoại vào góc nhà và hét to lên rằng: "tôi cần một mình".

Khi bạn đang say sưa trò chuyện với tình nhân trong một không gian yên tĩnh vắng vẻ, cả hai đang nhìn nhau ngất ngây hạnh phúc, nói với nhau bằng mắt, chuyện trò với nhau trong vô thanh, trao đổi với nhau bằng nhịp đập của con tim... Bạn có còn nhìn thấy quanh ta còn những ai nữa không? Chắc chắn lúc đó chẳng còn bạn bè, chẳng còn ngoại giao khách sáo, chẳng còn thời gian, mất cảm giác định vị không gian. Tất cả chỉ còn sự vội vàng của trái tim đang loạn nhịp. Lúc này mà có ai đó lôi bạn ra khỏi dòng điện đang tương tác giữa hai người, tôi đảm bảo bạn sẽ lầm bầm mà nói với hắn rằng: "tôi muốn anh bốc hơi khỏi mặt tôi ngay".

Khi bạn đang miên man trong dòng chảy suy tư nào đó, khoa học hay triết học chẳng hạn, thì sự "cô đơn" lại cực kỳ cần thiết. Lãnh vực này không chỉ đòi hỏi bạn phải tự biết cách thoát ly bản thân ra khỏi những mối quan hệ ồn ào đa tạp, mà còn đòi hỏi bạn phải biết thoát ly ra khỏi những tín điều, tập quán, truyền thống... Sự khách quan hoá chủ thể ra khỏi khách thể, và khách quan hoá chính bản thân mình như một đối tượng tư duy độc lập nhằm quan sát diễn trình, đòi hỏi bạn phải hoàn toàn "độc lộ" với tất cả những con đường khác, ngay cả trên chính con đường của mình. Đó là lý do vì sao Osho hay Krishnamurti thường gắn "cô đơn" với "tự do" như một liên từ - có "cô đơn" mới có "tự do" và muốn có được "tự do" thì phải sống được với "cô đơn".

Trên đây chỉ là ba dạng tiêu biểu cho thán từ "Tôi thích cô đơn!". Còn những trường hợp nào thì cô đơn trở thành "bị" cô đơn?

Khi bạn là một diễn giả trong một thính phòng hay một nhóm bạn nào đó, đang hăng say truyền đạt ý tưởng đã được bạn thao thức cả tháng cả năm, đột nhiên nhìn xuống thấy cả khán phòng ngồi ngủ ngon lành. Hơn lúc nào hết, khát vọng lớn nhất lúc này của bạn là "thèm" một ai đó hiểu mình, chia sẻ cùng mình những ý tưởng lớn lao, và dẫu chỉ một người cũng được. Đột nhiên bạn nhìn thấy ngồi ở góc nào đó xa xa, có một anh chàng miệng há to như muốn nuốt từng lời bạn nói. Đảm bảo lúc này, toàn bộ ánh nhìn của bạn sẽ tập trung vào cái miệng há hốc của anh ta, với lời thuyết trình dạt dào đầy cảm xúc.

Khi bạn đang yêu một ai đó, dĩ nhiên lại là tình cảm, và người ta thì chẳng ở bên cạnh mình. Nhưng như vậy thì chỉ là cảm giác nhớ mà thôi. Phải là người bạn cần thì không có, người bạn có thì lại không cần. Trạng thái mà Đạo Phật gọi là "ái biệt ly khổ" lẫn "oán tắng hội khổ" mới hội đủ điều kiện cần cho lời than thở "Sao tôi cô đơn quá!". Nhớ chưa hẳn là cô đơn, mà dư thừa những cái không cần và khiếm khuyết những cái cần mới nảy sinh trạng huống cô đơn. Giả dụ tôi ở một mình, và nhớ em yêu da diết, thế thì chưa phải là cô đơn. Tôi phải ở giữa đám đông, và đám đông thì chẳng có người tôi yêu, tâm trạng cô đơn khi đó mới xuất hiện.

Khi bạn bất đắc dĩ được mời tham dự một bữa tiệc nào đó, hay tham dự vào một hoạt động nào đó không phải là chuyên môn của bạn chẳng hạn. Bạn xuất hiện giữa hàng nghìn người, và chẳng quen biết bất kỳ ai. Phải làm những việc mình không có chuyên môn, sự lóng ngóng vụng về của bạn trở thành trò cười của người khác... Sự trơ trọi đó khiến cảm giác thời gian dài lê thê đến mức không thể dài hơn. Những lúc như thế này, bạn chỉ muốn bốc hơi cho thật sớm. Hơn lúc nào hết, ước ao lớn nhất của bạn lúc này là: "Hãy cho tôi về nhà!"

Cô đơn - vì nằm giữa "một mình" và "cô độc" - vì thế nó mang đầy đủ gia vị tích cực lẫn tiêu cực của hai từ trên. Đôi khi ta dùng cô đơn dưới khía cạnh tích cực, đôi khi ta dùng cô đơn như lời ca thán cuộc sống, tuỳ hoạt cảnh ngôn ngữ được thể hiện.

Ở đây, tôi muốn đặc biệt lưu ý với các bạn sự cần thiết của cô đơn trong quá trình suy tư về những dạng thức của thực tại sống.

Về nhận thức, chỉ có cô đơn mới giúp bạn có cách nhìn khách quan của riêng bạn về tồn tại. Bạn có thể trở thành tín đồ cho một tôn giáo, công dân trong một đất nước, thành viên trong một nhóm hay một giai cấp... nhưng cái nhìn đích thực và có hiệu dụng cho cuộc đời của bạn thì luôn phải là cái nhìn cá nhân. Mỗi cá nhân có một nhận thức khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau.... do vậy, mọi sự cào bằng đều triệt tiêu, không chỉ triệt tiêu tính đa dạng của thực tại, mà còn triệt tiêu luôn khả năng bứt phá, sáng tạo của mỗi cá nhân. Chỉ có cô đơn - nghĩa là thoát mình ra khỏi cái nhìn của tập quán, truyền thống, thói quen, đám đông, giai cấp, tín điều tôn giáo... - mới thực sự là khai minh chính mình. Đó cũng là điều mà tôi hay nói: ngày nào bạn tự sinh thành ra chính mình, ngày đó mới chính là ngày đánh dấu sự trưởng thành của bạn.

Về tâm lý, chỉ có cô đơn mới giúp bạn có cách nhìn tương đối toàn diện về thực tại tâm lý cùng những diễn biến xúc cảm mà bạn đang trải nghiệm. Buồn chưa đủ buồn, vui chưa đủ vui, lưng chừng chưa thực sự là lưng chừng... chỉ khiến cuộc đời bạn lênh đênh như bèo dạt không bến bờ. Cô đơn với chính mình - nghĩa là tạo một khoảng cách vừa đủ với tất cả những cảm giác mà mình đang trải qua - giúp bạn có đủ sự tỉnh táo để quán sát sinh diệt của cảm xúc đang bơi lội trong tâm thức. Chỉ khi nào biết tách bản thân ra khỏi niềm vui của chính mình, nỗi buồn của chính mình... thì khi đó bạn mới thật sự nhận diện được khuôn mặt của tâm.

Trong các quan hệ xã hội, chỉ có cô đơn mới giúp bạn có được những mối quan hệ đúng nghĩa và chân tình. Điều này có vẻ hơi ngượng ngạo, nhưng kỳ thực, muốn có được một người bạn tốt - nghĩa là hai người bạn hiểu nhau - trước hết cả hai con người đó phải hiểu được chính bản thân mình. Cô đơn ở đây không hẳn là không cần bạn bè, cũng không hẳn là nhiều hay ít, mà điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ lâu dài chính là không ai phủ cái bóng của mình lên ai. Tôi không cần giống bạn, bạn không cần giống tôi. Cả hai đều biết mình nên cả hai không bị cái bóng của người kia lấn át. Cả hai hiểu nhau nên cả hai biết tôn trọng một không gian vừa đủ, để khi cần "một mình" thì để "một mình", khi cần "tụ tập" thì tham gia "tụ tập".

Trong tình yêu, đó là sự phát triển sâu sắc hơn của tình bạn, thì sự "cô đơn" lại càng cần thiết, trong những trường hợp có xích mích, có hiểu lầm, hay tình yêu đang rơi vào giai đoạn "tạm nghỉ". Sự "cô đơn" lúc này được hiểu là sự "nhìn lại". Nhìn lại mối quan hệ đang có, nhìn lại những kỷ niệm đã từng có, nhìn lại những dự hướng đã từng mong ước, nhìn lại tình cảm của mình xem độ chín đến đâu, nhìn lại những thử thách mà cả hai đang trải qua... Khoảng thời gian "cô đơn" vừa đủ sẽ giúp cả hai, hoặc đi đến "chấm dứt" để không làm khổ nhau thêm, nếu nhận ra tình yêu đã hết; hoặc đi đến "sâu sắc hơn" nếu nhận ra cả hai cần có nhau trong đời... Giá trị "cô đơn" trong tình yêu là nhịp nghỉ giữa hai hiệp, là khoảng trống giữa các nan hoa trong một bánh xe, tưởng là không cần, nhưng thiếu nó thì tình yêu sẽ chết ngạt.

Tóm lại, chúng ta có cần cô đơn không?
Ngày nào bạn còn sống dưới nắng mặt trời và đi trên mặt đất thì ngày đó cô đơn còn ở bên bạn như hình với bóng.
Chỉ khác nhau ở chỗ bạn sẽ đối mặt với cô đơn một cách chủ động, hay bị ném vào vòng xoáy của cô đơn như chiếc vớ bị quăng vào máy giặt.

Dẫu sao thì "cô đơn" cũng chỉ là bước chuyển giữa "một mình" và "cô độc"
Ngày nào bạn còn chênh vênh trong cuộc sống thì ngày đó bạn còn đánh đu giữa tích cực và tiêu cực của cô đơn.
Chỉ khác nhau ở chỗ bạn sẽ nắm tay cô đơn như một người bạn, hay sẽ nhìn cô đơn như kẻ tình địch không đội trời chung.


Bạn chọn lựa chưa?
Còn tôi??
À, tôi còn đang bận khám phá những cung đường khác!

(6/11/13)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất