Bình đẳng giới


TỪ VIỆC RA ĐỜI NHÓM NỮ NGHỊ SỸ VIỆT NAM ĐẾN VIỆC BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH.

Vào ngày 25 tháng 5 năm 2008, Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam chính thức ra mắt nhằm tạo diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội có cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Đây là một sự kiện đánh dấu bước chuyển mình cơ bản trong việc đưa phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội thay vì chỉ bó hẹp công việc nội trợ trong gia đình.

Khi điều kiện sống ngày một ổn định hơn, mặt bằng tri thức ngày một được nâng cao, giới nữ ngày càng được giải phóng khỏi những khuôn khổ hạn hẹp của chế độ phụ quyền, từ đó mở ra một phong cách tư duy và cách thức sống mới và đồng thời, sự bền vững của gia đình và xã hội cũng phải đối mặt với những thách thức mới.

Tuy nhiên, phong trào đòi quyền bình đẳng giới nói chung và việc đưa ra các con số thống kê đối với giới nữ phải chăng chính là biểu hiện của sự bình đẳng?

Theo quan niệm của các nhà triết học, nhìn chung khái niệm “bình đẳng” không nên được hiểu là “bằng nhau” theo ý nghĩa san bằng mọi quyền lợi, điều kiện và hoàn cảnh… mà cần phải đặt khái niệm bình đẳng trong ý nghĩa “bằng nhau với những đối tượng bằng nhau và không bằng nhau với những đối tượng không bằng nhau”. Theo đó, bản thân sự đòi hỏi quyền lợi “bằng nhau” giữa nam và nữ tự thân là là sự bất công bởi lý do duy nhất: nam không phải là nữ và nữ cũng không phải là nam.

Cả hai giới, nam cũng như nữ có những ưu khuyết riêng của nó, dựa vào sức khỏe, tâm sinh lý… và chính sự khác nhau này mà thiên nhiên đã có sự phân công lao động một cách phù hợp. Việc nữ đòi hỏi “ngang bằng” với nam, làm những công việc của nam… là chúng ta đang bất công với nữ bởi bản thân kết cấu sinh lý và tình cảm của họ về cơ bản là khác biệt với nam giới. Từ sự khác biệt này, giới nữ cần phải biết khả năng của mình và làm những công việc phù hợp với khả năng của mình chính là thể hiện tính bình đẳng cao nhất đối với nữ giới.

Ngay cả việc đặt ra các tiêu chí về số lượng nữ giới hoạt động trong các lãnh vực chính trị, quản lý… và cho rằng số lượng phần trăm nữ giới ngày một tăng là biểu hiện cho việc bình đẳng giới tính, theo chúng tôi là chưa khách quan và đầy đủ. Bởi lẽ, trong quá trình bổ nhiệm và phân công lao động, do quá đặt nặng vào những số liệu thống kê trên, vô hình chung chúng ta đã đặt công việc không đúng người và một số khác người không làm đúng việc… Theo học thuyết Chính danh của Nho giáo, có thể hiểu nôm na là danh và thực có sự khập khiễng.

Do vậy, theo chúng tôi, tiêu chí số lượng nữ giới tham gia vào các hoạt động trong các lãnh vực xã hội là không cần thiết. Thay vào đó, tiêu chí: làm hết khả năng vốn có của mình mới chính là tiêu chí quan trọng.

Khi chúng ta xây dựng tiêu chí: phát huy hết khả năng vốn có của mình trong lao động mà không đặt ra vấn đề đó là nam hay là nữ thì khi đó nhu cầu đòi bình đẳng giới tính tự nhiên trở thành thừa thãi và vô ích. Bản thân việc phát huy hết khả năng vốn có của mình, hài lòng với công việc của mình chính là phát huy tính bình đẳng giữa nam và nữ một cách bình đẳng nhất. Điều đó có nghĩa là: là nam hay là nữ không quan trọng, quan trọng là bạn có khả năng để thực hiện những công việc đó hay không.

Vậy nữ giới có thể hoạt động chính trị được không, tham gia công tác quản lý xã hội được không, làm những công việc của nam giới được không…? Theo chúng tôi, phụ nữ có thể làm được tất cả và nam giới cũng vậy. Quan trọng là mỗi người tự nhận biết khả năng của mình, hoạt động hết khả năng vốn có của mình, làm gì cũng được, nội trợ hay nhà quản lý… miễn sao làm tốt và đạt hiệu quả.

Tóm lại, phát huy hết khả năng vốn có của mình chính là sự bình đẳng. Xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để cả nam giới lẫn nữ giới thực hiện và phát huy khả năng của riêng mỗi cá nhân là một xã hội bình đẳng. Khi nào phụ nữ còn đòi nhu cầu bình đẳng, khi nào còn có sự phân chia tỷ lệ nam nữ… thì khi đó bất bình đẳng vẫn còn tồn tại.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất