Hành trang đối diện với cuộc đời gồm những gì?


Từ gợi ý riêng của một cô bé vô tình gặp gỡ trên mạng thông qua những bài viết tương đối “già” của một cô bé “trẻ”, tôi nhớ lại những ngày xưa ấy… của chính tôi (nhưng cô bé gì đó ơi, tôi tạm biệt gia đình nhỏ của tôi lúc lên 8 tuổi chứ không đợi đi học Đại học đâu và dĩ nhiên mục đích của tôi thì không giống người bình thường nên cũng khó chia sẻ lắm)

Bài viết này tạm thời gác lại những vấn đề siêu hình để chúng ta một lần nhìn thẳng, nhìn không né tránh, nhìn không khoan nhượng để chúng ta nên chuẩn bị gì khi đối diện với nó?
Tại sao gọi là nhìn thẳng? Nhìn thẳng tức là đừng có nhìn nghiêng, nhìn xéo… Tại sao gọi là nhìn không né tránh? Nhìn không né tránh tức là đừng trốn tránh cái màu xám ngắt, cái màu tẻ nhạt, cái màu đen đúa… của cuộc đời. Tại sao nhìn không khoan nhượng? Nhìn không khoan nhượng là đủ gan, đủ can đảm, đủ khí khách để đối diện với nó dù nó có như thế nào đi chăng nữa…

Vậy cuộc đời là gì? Chúng ta thật khó để có thể trả lời cuộc đời là gì chỉ trong phạm vi một vài từ… mà dù có cố gắng trả lời nó bằng cả quyển sách thì như nhà thơ Đức J.W.Goethe từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Do vậy, dù chúng ta có lý luận về nó như thế nào đi chăng nữa thì cũng không bằng lao thẳng thể xác và tinh thần của ta vào thực tại sống động đó.

Tại sao mọi lý thuyết đều màu xám? Vì lý thuyết, dù là bản tổng kết ra đời từ thực tiễn xã hội với tất cả những thăng trầm, thành công hay thất bại... thì lý thuyết hay một học thuyết nào đó đều chỉ là bản chụp của một thực tại đã trôi qua mà thôi. Nhà triết học cổ đại Hy Lạp Heraclit từng cho rằng “bạn không thể bước hai lần trên một dòng sông” còn tôi thì cho rằng “bạn không thể bước, dù chỉ một lần trên một dòng sông, bạn chỉ có thể bước nửa bước mà thôi”. Tại sao lại là “nửa bước”? Vì ngay khi bạn chạm chân vào nó thì dòng sông đã không còn là dòng sông nữa, vậy nên một lý thuyết nào đó, với tư cách chỉ là “tấm ảnh” về cuộc sống thì làm sao diễn bày hết thực tại cuộc sống?

Vậy muốn nhìn thẳng, nhìn không khoan nhượng, nhìn không né tránh về cuộc sống thì phải làm gì? Câu trả lời của tôi là Hãy trực tiếp lao vào dòng chảy của nó. Đừng sợ hãi! Hãy lao vào nó trong tư thế tự chủ (biết mình là ai, có những gì, đang làm gì và làm điều đó để làm gì) chứ đừng để người khác đẩy mình vào nhé!

Tuy nhiên, tại sao cũng cùng một dòng sông, có người nhảy xuống thì chết đuối có người không? Câu trả lời thật rõ ràng, dòng sông thì khách quan với tất cả chúng ta nhưng chủ quan mỗi người lại có một sự chuẩn bị khác nhau dẫn đến những kết quả khác nhau. Đó là lý do trước khi nhảy xuống dòng sông, chúng ta phải chuẩn bị cho mình thật nhiều hành trang để dòng sông không làm ta bối rối.

Vậy ta nên chuẩn bị những hành trang nào? Cũng như người trước khi xuống dòng sông phải học bơi, phải biết quan sát nông sông, phải biết chỗ nào có nước xoáy hay không có nước xoáy, chỗ nào có cá mập, chỗ nào có đá ngầm…Người chuẩn bị đi vào đời thì cần chuẩn bị những cái gì?

Thứ nhất, trong tư duy, dĩ nhiên mọi hành động của chúng ta đều bắt đầu từ tư duy mà. Trong tư duy, đừng tưởng tượng đời chỉ có một màu. Đời nhiều màu lắm, có đen, trắng, có cả xanh, đỏ, tím, vàng. Tiếp cận với tha nhân, đừng vội nghĩ ai cũng giống mình và như mình, họ có tất cả các màu. Quan trọng là đừng đem một màu sắc nào đó của mình phủ chụp lên đầu họ. Hãy tiếp cận với họ bằng một đôi mắt trong veo không thành kiến, tùy theo từng hoàn cảnh, từng đối tượng và theo thời gian thời gian, màu sắc ở người đó sẽ dần hiện ra (cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra)…Bài học đơn giản là tập nhìn khách quan về cuộc sống và về người khác, không để cho thiên kiến hay tư kiến chủ quan của cá nhân mình (yêu/thích) che đậy bản chất của sự việc.

Thứ hai, trong lời nói, không cần phải dùng ngôn ngữ quá nhão nhoẹt hay khô khan vì thường cái gì “quá” thì “không thật”. Sự thật là tối thượng và dù hoàn cảnh nào cũng nên nói và chỉ nói sự thật. Người ta thường bảo là “sự thật thì mất lòng” nhưng “mất lòng trước thì được lòng sau”, nếu chúng ta thật sự muốn duy trì một  mối quan hệ lâu dài. Hãy cẩn thận và suy xét về tất cả những ngôn ngữ “hơi quá” vì cái gì quá đều nguy hiểm. Một bộ dạng ngây thơ quá, một tình cảm nồng ấm quá, một lời nói ngọt ngào quá, một cử chỉ thân thiện quá… đều không thật hoặc chỉ có một chút nào đó là sự thật thôi. Có một bài hát “hứa thật nhiều thất hứa cũng thật nhiều”… vì thế… như tiêu đề trong blog mình có ghi “phải quan sát sâu, phải lắng nghe rõ, phải suy ngẫm kỹ thì mới nên trải nghiệm”…

Thứ ba, hành động… Người ta thường quá coi trọng hành động vì chỉ có hành động mới nhìn thấy được mà thôi. Pháp luật cũng chỉ dựa trên kết quả của hành động để phán xét… Còn mình thì ngược lại, hành động chỉ là kết quả tất yếu của tư duy mà thôi… cẩn thận trong hành động một thì phải cẩn thận trong tư duy mười. Đừng coi thường một ý nghĩ xấu vì chính ý nghĩ xấu là mầm mống của hành động xấu. Mình cũng muốn nói thêm rằng, hãy hành động bằng bằng tất cả tình cảm và tư duy của mình, đừng hành động nửa vời… để sau này nuối tiếc.

Ngoài ra, mình cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng: không có thành công nào không trải qua thất bại vì thế phải nhìn thấy những hạt giống thành công đang ngủ ngầm trong những thất bại. Khi đối diện với thất bại, đừng gục ngã, hãy đứng lên từ chính thất bại đó.

Vậy tóm lại chúng ta nên chuẩn bị những hành trang gì?

1.     Đặt mục tiêu (ngắn hạn và dài hạn, ngắn hạn bổ sung cho dài hạn)
2.     Hoạch định các bước thực hiện (bước 1, bước 2…)
3.     Chuẩn bị tư liệu để thực hiện từng bước trên (vật chất và tinh thần, phương tiện và kỹ năng...)
4.     Bắt tay vào thực hiện mục tiêu (niềm tin mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng)
5.    Thất bại nếu có thì nhìn lại bốn bước đi trước, rút kinh nghiệm từng giai đoạn nhỏ, sau đó lại tiếp tục thực hiện mục tiêu mà mình đã định.
6.     Thành công nếu có, đừng tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng. Phải luôn có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để khi thành công thì ta lại tiếp tục thực hiệnmục tiêu tiếp theo.
7.     Luôn có mục tiêu và phương án dự phòng khi thực hiện để hoàn cảnh khách quan thay đổi thì ta sẽ đủ bản lĩnh đối diện và thích nghi kịp thời.
8.     Cuối cùng, dù bạn có mục tiêu vĩ đại đến đâu đi chăng nữa cũng đừng quên nghỉ ngơi, thư giãn và vui đùa. Con người không phải là cái máy mà là một sinh vật lao động, học tập để cảm thụ cuộc sống chứ không phải lao động, học tập để nổi tiếng hay trở nên vĩ đại. Biết cách cảm thụ cái đẹp của cuộc sống đáng giá gấp vạn lần những kẻ thành công mà đầu óc như một cái máy đã được lập trình.

Trên đây chỉ là một vài hành trang nho nhỏ để chúng ta vào đời và đừng quên câu nói “mọi lý thuyết đều màu xám mà cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hãy sống thật và sống hết mình với mọi mảng màu của cuộc sống nhé

Tb: Về tình yêu ư? Người ta thường hay nói tình yêu thì mù quáng vì thế phải cần đến cái đầu để dẫn đường, còn mình thì nói rằng “chỉ cần bạn biết bạn đang yêu thì tình yêu đã tồn tại trong bạn”, không cần đòi hỏi cũng chẳng cần người ta phải đáp lại. Nhưng đã yêu thì nên yêu thật, yêu hết mình, yêu vì tình yêu chứ không phải yêu người ta vì đẹp trai, giàu có, nói chuyện cuốn hút… tất cả những cái vì… vì… đó đều sẽ thay đổi theo thời gian.
Chỉ có yêu vì tình yêu mới là bất diệt mà thôihạnh phúc ở trong ta mới là hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc mà người ta đem cho mình chỉ là thứ bánh vẽ (làm mờ con mắt chúng ta trong khi bụng vẫn đói... hic hic)
Còn nhiều điều để chia sẻ nhưng cứ ... từ từ... hãy cười và nghỉ ngơi tí bạn nhé

Thân tặng bé Cún con để đáp lại thịnh tình từ món quà của cô bé nhé
(20/7/11)

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất